Kỳ 4 - Cảnh Giác Với Những Chiêu Lừa Đảo Sinh Viên Năm Nhất
Trong bài viết này, chuyên trang thông tin tuyển sinh sẽ cùng chia sẻ đến các bạn sinh viên những chiêu lừa đảo mà các bạn sinh viên năm nhất là đối tượng "tiềm năng" nhất, để các bạn biết và có cảnh giác, tránh sa chân vào rồi thì "tiền mất tật mang".
Sinh viên năm nhất thường đều là con em vùng quê lên thành phố học tập với bản tính chân chất, thật thà, dễ tin người. Nhưng các bạn nên nhớ rằng, không phải ai cũng là người tốt với bạn, ai cũng thật thà với bạn. Hơn nữa, các tân sinh viên đều ở tình cảnh "thân cô thế cô" dù có biết bị lừa nhưng cũng không thể làm gì khác được. chính vì điều này, để tự bảo vệ mình, các bạn sinh viên cần phải biết và cảnh giác những chiêu lừa đảo "quen thuộc" dưới đây:
1. Môi giới việc làm và tuyển dụng lừa đảo
Tâm lý chung của tất cả các bạn sinh viên là muốn tìm được công việc làm thêm để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ lo tiền ăn học hàng tháng và trang trải cuộc sống của mình. Nắm được tâm lý này nên các trung tâm môi giới mọc lên như nấm ở các khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng, nhất là khu vực đông sinh viên như Đại học Thương Mại, Đại học Công nghiệp,... Không khó để bắt gặp những tờ rơi, những tin tuyển dụng việc làm thêm cho sinh viên tràn lan trên mạng internet, dán khắp nơi, vứt bừa bãi tại các bến xe bus hay cổng trường đại học.
Những thông tin tuyển dụng hấp dẫn với "mức lương cao, đi làm ngay, không yêu cầu kinh nghiệm, không mất tiền đặt cọc, được đào tạo vừa học vừa làm, làm việc tại nhà lương cao,...". Nhưng để được nhận việc, sinh viên phải đóng một khoản tiền từ 200,000-500,000đ tiền thủ tục, tài liệu hay đào tạo; hoặc không mất phí khi vào nhưng trong quá trình làm việc, họ sẽ gây khó khăn, hoặc nợ tiền không trả, làm bạn phải nản chí mà bỏ cuộc, và thường sẽ mất tiền lương làm bấy lâu hoặc bị phạt vì "hủy hợp đồng". Không khó để những "cấp trên" lừa tiền của bạn mà bạn không làm được gì, vì theo lý là do bạn sai, không phải do họ.
Mặc dù chiêu lừa đảo này đã được cảnh báo nhiều lần, và rất nhiều bài học để đời từ những anh chị đi trước, nhưng mỗi năm lại vẫn có hàng nghìn sinh viên "sa chân" vào chiêu lừa đảo này.
2. Mời mua đồ dùng nhân đạo
Những đối tượng lừa đảo đóng giả làm người tàn tật, đau yếu, nghèo khổ thường xuất hiện ở các bến xe, điểm dừng xe bus hoặc thậm chí là cổng trường rồi mời các bạn sinh viên mua ủng hộ các đồ dùng nhân đạo như tăm tre, tăm bông, bút viết, kẹo,... Vốn tính thương người, hơn nữa những đồ này cũng chỉ đáng vài ngàn đồng nên không chỉ sinh viên năm nhất, mà còn cả những bạn học liên thông đã biết nhiều hơn cũng không tiếc mà mua ủng hộ, song thực tế lại khác hoàn toàn.
"Đánh nhanh thắng nhanh" là chiêu của bọn lừa đảo này, khi sinh viên còn chưa quyết định mua thì họ đã hỏi tên, địa chỉ để ghi vào sổ, và sinh viên sẽ mất từ 50,000-100,000đ/gói. Biết là mình đã bị lừa, nhiều người gạt ra không trả tiền thì ngay lập tức thấy được bộ mặt xảo quyệt, lật lọng của bọn lừa đảo. Bọn chúng lên giọng quát tháo, chửi mắng, đe dọa bắt trả tiền. Thậm chí có những trường hợp sinh viên bị chúng túm lại vây đánh, chửi bới thậm tệ và không làm được gì.
3. Nhờ chuyển hộ đồ để thôi miên lừa đảo hoặc vu oan
Tình trạng thôi miên để lừa tiền không còn xa lạ nhưng cách thức mà bọn lừa đảo này thực hiện thì lại cực kỳ tinh vi và khó đoán.
Khi thấy người lạ lại gần bạn bắt chuyện hỏi thăm địa chỉ nào đó và nhờ chuyển hộ gói đồ hay tờ hóa đơn và cho bạn vài trăm với lý do trên trời "bận", "không tiện đi qua", "không biết đường",... và không cho bạn mở gói đồ hay tập hồ sơ ra. Bạn đừng dại gì mà tin nhé. Vì chắc chắn khi bạn cầm gói đồ đó rồi, bọn chúng sẽ có cách moi được tiền của bạn mà không tốn cái gì.
4. Gọi nhờ điện thoại
Lợi dụng lòng tin người của các bạn sinh viên, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu mượn điện thoại gọi nhờ cho ai đó với vô vàn lý do "không mang điện thoại, bị móc mất điện thoại, điện thoại hết pin, hết tiền,...". Và sau khi cầm được điện thoại rồi thì... các bạn bàng hoàng nhận ra điện thoại không còn, và người mượn điện thoại thì đã cao chạy xa bay.
Một sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ và thương mại Hà Nội chia sẻ, một lần đi đứng chờ xe bus 29 ở gần trường (Tân Lập - Đan Phượng), tầm trưa nên đường khá vắng. Có một bạn thanh niên lại gần và nhờ gọi điện cho anh trai ra đón vì điện thoại bạn ý hết pin. Mình thấy bạn ý cũng có vẻ thật thà nên đã cho bạn ý mượn, và ngay lập tức, điện thoại của mình đã "bay" theo tên đó, mình con gái không đuổi theo được, đành ngậm ngùi.
5. Gạ gẫm mua đồ rẻ tiền
Bọn lừa đảo thường nhắm vào sinh viên vừa mới từ tỉnh lẻ lên thành phố, tìm cách tiếp cận và gạ gẫm mua đồ giá rẻ. Sinh viên thường sống nhờ vào trợ cấp của bố mẹ nên không có dư giả, thường thích rẻ để tiết kiệm nên đã "sập bẫy" của bọn lừa đảo này. Đồ bạn mua được có thể là đồ ăn cắp hoặc đồ hỏng, đồ rởm bọn chúng thay pin, bạn chỉ sử dụng được một vài hôm rồi hỏng. Khi phát hiện ra điều này thì bạn đã không còn biết kêu ai được nữa.
6. Móc túi trên xe bus
Xe bus là phương tiện đi lại phổ biến của sinh viên nên trộm cắp, lừa đảo, móc túi trên xe bus ngày một nhiều. Chiêu thức của bọn lừa đảo là móc túi, rạch túi lấy đồ, các bạn sinh viên nên nhớ khi đi xe bus túi xách hoặc balo luôn phải đeo ra phía trước, ôm gọn vào lòng. Đồ đạc có giá trị như điện thoại, ví tiền để ở ngăn kéo sâu bên trong, luôn có tiền lẻ ở bên ngoài để trả tiền xe bus, và không cầm điện thoại ra bên ngoài.
Có những đối tượng lộ liễu hơn là đi theo bạn, giám sát bạn, nhân lúc vắng người sẽ áp sát và cướp tài sản của bạn. Vì thế luôn luôn cảnh giác, đề phòng mọi lúc mọi nơi.
BẠN THÍCH BÀI VIẾT NÀY ?
Bình Luận Của Bạn:
Bạn có thắc mắc, ý kiến đóng góp vui lòng điền thông tin theo mẫu bên dưới rồi nhấn nút GỬI BÌNH LUẬN. Mọi ý kiến đóng góp đều được đón nhận và giải đáp trong thời gian sớm nhất