Kỳ 3 - Mẹo Tiết Kiệm Dành Cho Tân Sinh Viên
Cuộc sống sinh viên xa nhà, xa gia đình là một thử thách lớn đối với các bạn sinh viên. Hơn nữa, đời sống kinh tế ngày càng khó khăn, giá cả đắt đỏ thì việc tiết kiệm là vô cùng quan trọng, được đồng nào tốt đồng đó. Hôm nay, Kênh tuyển sinh 24h sẽ tiếp tục chia sẻ đến các bạn tân sinh viên những "bí kíp" siêu tiết kiệm của các anh chị, các bạn đã và đang là sinh viên.
Đến thời điểm hiện tại, các tân sinh viên đã bắt đầu trải nghiệm với cuộc sống tự lập, tự lo cho bản thân. Bước vào một môi trường mới với biết bao "cám dỗ", "thú vui", nhiều bạn đã "vung tay quá trán", chi tiêu không kiểm soát, dẫn đến tình trạng đầu tháng ăn tiêu, cuối tháng ăn mì tôm. Vì vậy, các bạn tân sinh viên phải trang bị tối đa các giải pháp tiết kiệm, chi tiêu thông minh. Sau đây là những cách tiết kiệm tối ưu nhất:
1. Ở ký túc xá hoặc chung phòng trọ
Tiền phòng trọ luôn là một khoản khá lớn trong các khoản chi tiêu hàng tháng của sinh viên (tối thiểu khoảng 1/2). Vì thế cách tốt nhất để tiết kiệm khoản chi này là lựa chọn ở ký túc xá hoặc ở chung phòng trọ.
Nếu bạn học sư phạm mầm non tại Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà trường có khu ký túc xá rất rộng rãi cho các bạn thí sinh. Việc ở ký túc xá có ưu điểm là giá rẻ, phù hợp với sinh viên, an ninh tốt (vì ở trong trường học), gần trường, gần bạn bè, có điều kiện tiếp xúc với nhiều người cùng lớp, cùng trường, tham gia được các câu lạc bộ; nhưng có một bất cập không nhỏ là phòng thường từ 6-8 người trở lên.
Nhiều người sẽ nảy sinh nhiều bất cập, có người đi sớm về khuya, mỗi người một tính cách, ăn uống cũng bất tiện, và những người ở cùng một phòng, thường không biết nhau từ trước, nên việc mất đồ đạc cũng khá phổ biến. Những bạn không muốn ở ký túc xá có thể tìm cho mình một phòng trọ và ở chung với 1-2 bạn, có thể là bạn thân, bạn cùng lớp hay một ai đó có thể sống chung với nhau. Chi phí cho một phòng 2-3 người ở khoảng 700-800,000đ/người/tháng.
Nếu không có bạn bè ở chung, bạn có thể ở ghép với người đã thuê phòng từ trước, có thể tìm kiếm ở trên facebook rất nhiều các hội nhóm tìm người, tìm phòng. Lưu ý: Tân sinh viên nên cảnh giác với các trung tâm môi giới bởi có thể sẽ mất oan những khoản phí không đáng.
2. Kết thân với thư viện
Những cuốn giáo trình dày cả nghìn trang, những cuốn sách tham khảo, tài liệu tìm hiểu luôn tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của sinh viên. Vì thế sinh viên chỉ nên mua những cuốn sách thật sự cần thiết, không có trong thư viện. Đa số các trường đều có thư viện và đều cho sinh viên mượn sách mang về, như thư viện Đại học Thành Đông, Đại học Bách Khoa,... tuy nhiên cần phải nhanh chân vì số lượng giáo trình trong thư viện không nhiều. Thường thì thẻ sinh viên cũng chính là thẻ thư viện, các bạn có thể dễ dàng vào thư viện mượn sách. Thư viện trường không chỉ là nơi để đọc sách, mượn sách, mà còn là nơi lý tưởng để học tập, nghỉ trưa ở trường, truy cập internet,...
Ngoài ra, sinh viên có thể đến thư viện công cộng tại thành phố đang sống, như:
- Thư viện Tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Quận 1): Chỉ cần đem theo CMT hoặc hộ khẩu để làm thẻ, phí đọc và mượn sách: 40,000đ/năm
- Thư viện Thành phố Hà Nội (47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Chỉ cần đem theo CMT hoặc hộ khẩu để làm thẻ, phí đọc và mượn sách: 40,000đ/năm, phí làm thẻ 20,000đ, tiền cược sách 100,000đ/thẻ
- Thư viện quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Chỉ cần đem theo CMT hoặc hộ khẩu để làm thẻ, lệ phí: 120,000đ/năm
3. Tiết kiệm tiền điện thoại
Sinh viên dùng điện thoại di động chủ yếu với mục đích tìm kiếm tài liệu, liên lạc, có khi là chơi game, chat chit, xem phim, nhắn tin hẹn hò,... và những việc này thường tốn của bạn một khoản tiền cực kỳ lớn vào mỗi tháng mà bạn không hề biết. Bên cạnh điện thoại, hầu như bạn nào cũng có máy tính và kết nối mạng.
Thay vì sử dụng điện thoại, bạn có thể sử dụng internet để làm những việc đó thay vì dùng điện thoại. Bạn phải biết chọn lọc nhu cầu sử dụng để tiết kiệm tối đa, có thể dùng các gói cước giá rẻ vào các đợt khuyến mãi, hoặc có những phương pháp thay thế.
4. Tiết kiệm chi phí đi lại
Việc đi lại ở thành phố khá thuận tiện. Nếu ở gần trường, bạn có thể lựa chọn đi xe đạp hoặc đi bộ, thi thoảng đi xa có thể đi xe bus. Với sinh viên làm vé tháng xe bus khá rẻ, chi phí cho vé 1 tuyến là 50,000đ/người, liên tuyến là 100,000đ/tháng và bạn có thể đi bất cứ đâu trong thành phố.
Thủ tục làm vé tháng cũng khá đơn giản. Bạn có thể mang giấy báo trúng tuyển của trường kèm 2 ảnh 3x4 đến địa điểm làm vé tháng trong trường, hoặc bạn photo thẻ sinh viên mang đến các chốt làm vé tháng xe bus và sau 3 ngày bạn sẽ có vé và vi vu bất cứ đâu. Xe bus có ghế ngồi, có điều hòa và đặc biệt là rất an toàn.
5. Tự nấu ăn
Là cần thiết và tiết kiệm đối với những bạn ở trọ ngoài, vì ở ký túc xá bạn sẽ không được nấu nướng, mà thường chỉ "nấu chui". Để nấu nướng bạn sẽ phải mua dụng cụ, xoong nồi nhưng chi phí đó thấp hơn so với việc bữa nào bạn cũng đi ăn ngoài. Tự nấu vừa đảm bảo vệ sinh, vừa hợp khẩu vị hơn so với bên ngoài. Các bạn có thể phân công nhau nấu nướng, dọn dẹp theo ngày. Tiền mua thức ăn thì cả phòng đóng góp.
Nếu học Trường Đại học Thủ Đô ở khu Cầu Giấy, có rất nhiều chợ sinh viên, nên mua đồ,ăn uống cũng sẽ rất rẻ. Còn nếu học Đại học Giao thông vận tải, khu Nguyễn Chí Thanh thì mua đồ sẽ đắt hơn, vì là trung tâm. Nhưng dù sao thì việc tự nấu vẫn sẽ tiết kiệm hơn so với đi ăn ngoài.
Trên đây là một trong những cách tiết kiệm cho các bạn tân sinh viên. Hi vọng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn khi mới lên thành phố học tập.
Nguồn: Sưu tầm
Đọc tiếp: Kỳ 4 - Cảnh giác với những chiêu lừa đảo sinh viên năm nhất
BẠN THÍCH BÀI VIẾT NÀY ?
Bình Luận Của Bạn:
Bạn có thắc mắc, ý kiến đóng góp vui lòng điền thông tin theo mẫu bên dưới rồi nhấn nút GỬI BÌNH LUẬN. Mọi ý kiến đóng góp đều được đón nhận và giải đáp trong thời gian sớm nhất