Sai Lầm Trong Việc Chọn Trường Hơn Chọn Ngành
Hiện tượng sinh viên bỏ học dần khi mới học năm nhất vẫn là vấn đề nhức nhối của nhiều trường ĐH, CĐ. Bởi hệ quả của việc chọn trường hơn chọn ngành diễn ra nhiều năm nay
Hiện tượng sinh viên "rơi rụng" dần sau khi vào học được một, hai năm vẫn là một trong các vấn đề nhức nhối của nhiều trường ĐH, CĐ. Hoặc nhiều sinh viên cố học cho qua để rồi học tiếp văn bằng 2 hoặc học liên thông đại học. Đó chính là hệ quả của việc lựa chọn sai ngành nghề, chọn sai trường, chọn trường hơn chọn ngành diễn ra nhiều năm nay.
Chọn trường hay chọn ngành quan trọng hơn?
Đối với việc chọn ngành chọn nghề, nhất là các em học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào mốc son quan trọng, công tác tư vấn hướng nghiệp trong những năm qua thường gắn liền cùng với tư vấn tuyển sinh, được tổ chức khá rầm rộ dưới nhiều hình thức như tư vấn trên các phương tiện truyền thông, ngày hội tư vấn tại trường do các thầy cô trong trường tổ chức, hay những ngày hội lớn do các trường ĐH-CĐ về tận trường THPT để tư vấn, giới thiệu về ngành nghề, về trường,... nhằm định hướng nghề nghiệp tốt nhất đến các em học sinh và phụ huynh.
Một điều chắc chắn rằng, công tác tư vấn hướng nghiệp có đem đến những hiệu quả nhất định, nó đem lại những thông tin tuyển sinh mới nhất thu hút sự quan tâm của học sinh. Các em học sinh sẽ được làm quen, có thêm thông tin để tìm hiểu trực tiếp ngành nghề đang quan tâm, hay những thứ mà các em chưa hề biết như cơ hội việc làm, hình thức xét tuyển, điểm chuẩn,...
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức, chưa tác động được nhiều đến việc phân luồng thí sinh, chưa đưa ra được những định hướng rõ ràng để thí sinh quyết định, ngay chính bản thân những ngành nghề đó cũng chưa xác định rõ ràng về việc học những gì, làm được những gì.
Hệ quả là vẫn theo lối tư duy cũ "phải vào Đại học", học sinh sau khi học xong THPT vẫn định hướng vào các trường Đại học hơn là các trường CĐ và các trường trung cấp, các trường nghề, và rất nhiều sinh viên cảm thấy chán nản và bỏ học sau khi học được 1,2 năm vẫn là một vấn đề gây phiền não cho nhiều trường ĐH, CĐ.
Câu hỏi đặt ra là "Phải chăng chọn trường để học là một khuynh hướng tiềm ẩn ngay từ khi thi tuyển vào lớp 10 của bậc THPT?"
Qua khảo sát kết quả thi tuyển lớp 10 vào các trường THPT tại TP.HCM liên tục nhiều năm qua cho thấy các trường top đầu, có truyền thống ở nội thành luôn thu hút được các học sinh giỏi, điểm chuẩn đầu vào luôn cao hơn rất nhiều, thậm chí gấp 3 lần điểm chuẩn trúng tuyển của các trường ngoại thành.
Ngay trong việc chọn trường, những em học sinh giỏi, kết quả học tập cao đều muốn lựa chọn các trường ĐH top trên, có tiếng, có điểm chuẩn cao, như vậy mới "xứng tầm". Còn các trường CĐ, Trung cấp như trung cấp mầm non, trung cấp các ngành kinh tế,... thì "bói" không ra thí sinh.
Về phía các trường ĐH,CĐ trong bối cảnh "tranh giành" thí sinh, mục tiêu trước mắt là tuyển đủ chỉ tiêu, để đảm bảo nguồn thu chính của các trường, mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng đào tạo. Bên cạnh việc xét tuyển từ kết quả thi THPT Quốc gia, có đến gần 50% các trường xét tuyển bằng học bạ THPT, có cả những trường ĐH, cơ hội trúng tuyển được rộng mở hơn.
Qua mùa tuyển sinh năm 2016, việc thay đổi quy chế thi một phần hạn chế tình trạng lựa chọn trường học hơn là chọn ngành của nhiều thí sinh.
Hiện tượng sinh viên bỏ học có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cũng là một vấn đề nhức nhối cho các trường ĐH-CĐ thậm chí cả gia đình và xã hội, không ai được lợi ích gì từ việc từ bỏ này.
Để hạn chế tình trạng này, điều đầu tiên cần thay đổi đó chính là tư duy của bậc phụ huynh. Cha mẹ định hướng tốt cho con, không gây áp lực học hành cho con thì con cái sẽ được tự phát triển, làm theo những gì mình thích. Thứ hai là trong việc dạy và học tại trường, nhà trường nên thường xuyên tổ chức những buổi hoạt động ngoại khóa, những buổi thực hành nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh để học sinh có cái nhìn khách quan nhất. Và đặc biệt là các trường ĐH-CĐ cần tiếp tục bồi dưỡng thêm cho sinh viên những hiểu biết thực tế về ngành nghề, các thông tin cơ hội việc làm.
Hàng năm, các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội đều tham gia vào chuỗi hoạt động "Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp" như Trường Đại học Thương Mại, Đại học Quốc Gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội,...
Đây cũng là trách nhiệm chính của các trường ĐH-CĐ khi tỷ lệ sinh viên theo học, tỷ lệ sinh viên bỏ học là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của trường.
BẠN THÍCH BÀI VIẾT NÀY ?
Bình Luận Của Bạn:
Bạn có thắc mắc, ý kiến đóng góp vui lòng điền thông tin theo mẫu bên dưới rồi nhấn nút GỬI BÌNH LUẬN. Mọi ý kiến đóng góp đều được đón nhận và giải đáp trong thời gian sớm nhất