Tránh Thất Nghiệp Bằng Học Tiếp…. Cao Học!
Không thể tìm được việc làm như mong muốn sau khi tốt nghiệp Đại học, nhiều cử nhân tiếp tục con đường học lên cao học để tìm cơ hội, thậm chí là lối thoát.
Không thể tìm được việc làm như mong muốn sau khi tốt nghiệp Đại học, nhiều cử nhân tiếp tục con đường học lên cao học để tìm cơ hội, thậm chí là lối thoát.
Thất nghiệp nên tiếp tục học
Thực tế hài hước hiện nay, nhiều sinh viên được đào tạo từ các trường Đại học, học viện cầm tấm bằng cử nhân ra trường lại đôn đáo tìm nơi học, nơi đào tạo tiếp để hy vọng tìm được việc làm. Trong đó, nhiều người chọn tiếp con đường học lên cao với hy vọng bằng cấp cao hơn sẽ dễ dàng xin việc làm hơn. Làn sóng cử nhân không tìm được việc phù hợp nên học thạc sĩ, rồi học lên cao nữa cũng ào ạt xuất hiện.
Bằng càng cao càng dễ... thất nghiệp?
Thất nghiệp có nên học lên cao học để dễ tìm việc làm hơn? Vấn đề này được nhiều bạn trẻ đặt ra tại chuyên đề định hướng nghề nghiệp do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gần đây.
Trước câu hỏi này, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn bày tỏ quan điểm, việc học lên cao phù hợp cho những người có sự ổn định, định hướng rõ ràng trong công việc, học để bổ sung, hỗ trợ cho công việc hiện tại. Còn vì thất nghiệp mà học lên cao để hy vọng tìm việc làm, ông Sơn khuyên các bạn trẻ hãy cân nhắc kỹ vì rất có khả năng càng dễ thất nghiệp.
Ông Sơn chia sẻ, vị trí việc làm dành cho bằng cấp cao trên thị trường rất hạn chế. Nhất là khi tốt nghiệp cử nhân bạn đã rất khó xin việc vì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì học cao hơn, với vị trí, yêu cầu cao hơn có thể càng khó khăn cho ứng viên.
Các báo cáo về tình hình lao động nhiều năm gần đây số liệu có khác nhau nhưng đều chung nhận định số người thất nghiệp ở nhóm có trình độ Đại học và trên Đại học đứng ở top đầu và có xu hướng tăng - kể cả thời điểm tỷ lệ người thất nghiệp giảm.
Thực tế, trên thị trường lao động, nhu cầu lao động với đối tượng bằng cấp cao cũng khiêm tốn. Như ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố nhiều năm gần đây và đến năm 2020, mỗi năm thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần khoảng 270 nghìn lao động. Nhưng nhu cầu dành cho trình độ Đại học, trên Đại học chỉ chiếm 12% đến 13%.
Chưa kể, sinh viên ra trường khó xin việc không phải do bằng cấp mà đa phần nằm ở năng lực chuyên môn, kỹ năng và thái độ làm việc. Trông chờ vào bằng cấp nhiều ứng viên hay gặp lỗi ảo tưởng bản thân, đặt ra những tiêu chí, đòi hỏi "trên trời" khi xin việc nên tự loại mình ra khỏi thị trường lao động.
Cũng phải nhìn vào thực tế, nhận ra “ảo tưởng” từ tấm bằng, nhiều năm nay còn có một xu hướng “liên thông ngược” khi cử nhân, thạc sĩ quay đầu... đi học nghề, trung cấp. Họ vứt bỏ ảo tưởng về bằng cấp, đi lùi tìm giá trị thực của bản thân cũng như dễ tìm kiếm cơ hội việc làm hơn.
Thất nghiệp không có nghĩa là không học. Nhưng đã đến lúc người học phải tự cứu mình bằng cách trả lời “Học để làm gì?” để có lựa chọn phù hợp. Bằng cấp đã không thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Nhất là phải loại khỏi tâm trí suy nghĩ cứ học đi cho có tấm bằng đã rồi tính tiếp.
BẠN THÍCH BÀI VIẾT NÀY ?
Bình Luận Của Bạn:
Bạn có thắc mắc, ý kiến đóng góp vui lòng điền thông tin theo mẫu bên dưới rồi nhấn nút GỬI BÌNH LUẬN. Mọi ý kiến đóng góp đều được đón nhận và giải đáp trong thời gian sớm nhất